#107 | Xử lý tài sản bảo đảm là cổ phần, phần góp vốn trong công ty

12/26/2023

Tình tiết sự kiện:

Một cá nhân (Nguyên đơn - ông B) cho một Công ty trách nhiệm hữu hạn (Bị đơn - Công ty HP) vay một khoản tiền. Việc vay này có bảo lãnh của hai thành viên Công ty (ông T và bà H) và hai thành viên công ty này mang phần góp vốn của mình để bảo lãnh việc vay tiền nêu trên. Hội đồng Trọng tài đã đưa ra hướng xử lý đối với tài sản bảo đảm nêu trên.

Bài học kinh nghiệm:

Việc các chủ thể sử dụng quyền trong doanh nghiệp (cổ phần trong công ty cổ phần hay phần vốn góp trong công ty trách nhiệm hữu hạn) để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ rất phổ biến trong hoạt động kinh doanh. Vụ việc nêu trên là một trong nhiều trường hợp thực tiễn đã gặp phải. Ở đây, vấn đề xử lý tài sản bảo đảm trên được tiến hành như thế nào khi nghĩa vụ được bảo đảm không được thực hiện đầy đủ?

Trong vụ việc trên, ngoài cam kết bảo lãnh của các thành viên công ty, Điều 7 hợp đồng còn quy định “trong trường hợp đã đến hạn thực hiện nghĩa vụ thay cho Bên B, mà Bên bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ thì Bên bảo lãnh phải tự nguyện đưa tài sản thuộc sở hữu của mình là phần vốn góp trong Công ty HP để thanh toán cho Bên A vào bất cứ lúc nào theo yêu cầu của Bên A chiếu theo điều 6.4 ở trên”. Về nội dung này, Hội đồng Trọng tài xác định “đây thực chất là cam kết giữa người bảo lãnh với người có quyền về thế chấp tài sản của người bảo lãnh để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh và cam kết này phù hợp với” quy định về biện pháp bảo đảm, quy định trong pháp luật doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Điều 7 hợp đồng còn quy định “các Bên thỏa thuận việc xử lý tài sản của Bên bảo lãnh để thanh toán cho khoản vay theo tỷ lệ như sau : Cứ 1.000.000.000 (một tỷ) VND của khoản vay này sẽ được quy đổi tương đương với 1,5 phần góp vốn điều lệ của Công ty HP, bắt đầu bằng phần vốn góp của ông T và sau đó sẽ đến phần vốn góp của bà H, hai bên bảo lãnh đồng ý để việc này được thực hiện mà không bảo lưu quyền ưu tiên của thành viên góp vốn. Trong trường hợp này, Bên bảo lãnh có trách nhiệm thực hiện tất cả các thủ tục pháp lý cần thiết để Bên A trở thành thành viên công ty thông qua phần góp vốn được quy đổi từ khoản vay theo quy định của hợp đồng này”. Hội đồng Trọng tài cũng xác định “đây là thỏa thuận về xử lý tài sản bảo đảm để thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh và thỏa thuận này phù hợp” với quy định về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.

Vẫn theo Hội đồng Trọng tài, “tài sản bảo đảm ở đây là phần vốn góp trong công ty trách nhiệm hữu hạn và các bên thỏa thuận Bên bảo lãnh có trách nhiệm thực hiện tất cả các thủ tục pháp lý cần thiết để Bên A trở thành thành viên công ty thông qua phần góp vốn được quy đổi từ khoản vay. Nội dung này cho thấy các bên chưa ghi nhận có việc chuyển quyền sở hữu phần góp vốn từ người bảo lãnh sang người có quyền (người nhận bảo lãnh) mà chỉ thỏa thuận về cách thức chuyển quyền sở hữu phần vốn góp từ người bảo lãnh sang người nhận bảo lãnh. Tuy nhiên, việc chuyển phần vốn góp này có quy định đặc thù trong Luật Doanh nghiệp nên cần phải tuân thủ thêm các quy định của Luật Doanh nghiệp sẽ được phân tích ở phần sau”.

Cụ thể về hướng xử lý tài sản bảo đảm, Hội đồng Trọng tài cho rằng “tài sản bảo đảm nêu trên là phần vốn góp trong Công ty HP trong khi đó khoản 6 Điều 45 Luật Doanh nghiệp năm 2005 quy định trường hợp thành viên sử dụng phần vốn góp để trả nợ thì người nhận thanh toán có quyền sử dụng phần vốn góp đó theo một trong hai cách sau đây: a) Trở thành thành viên của công ty nếu được Hội đồng thành viên chấp thuận; b) Chào bán và chuyển nhượng phần vốn góp đó theo quy định tại Điều 44 của Luật này (nay là khoản 6 Điều 55 Luật Doanh nghiệp năm 2014). Vì vậy, cần buộc ông T và bà H có nghĩa vụ thực hiện tất cả các thủ tục pháp lý để chuyển nhượng 39,203% phần góp vốn cho Nguyên đơn để cấn trừ nghĩa vụ bảo lãnh trên cơ sở tuân thủ các quy định của Luật Doanh nghiệp về sử dụng phần góp vốn để trả nợ”.

Nội dung trên cho thấy việc sử dụng quyền trong doanh nghiệp để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ là rất phổ biến và là phù hợp với quy định của pháp luật. Đối với trường hợp này, việc xử lý tài sản phải tuân thủ các quy định trong pháp luật dân sự và quy định trong pháp luật doanh nghiệp có liên quan. Ở đây, vụ việc liên quan đến tài sản bảo đảm là phần vốn góp trong công ty trách nhiệm hữu hạn nhưng hướng tư duy tương tự cũng cần được vận dụng nếu tài sản bảo đảm là cổ phần trong các công ty cổ phần. Đó là những điểm mà doanh nghiệp cũng như thành viên của doanh nghiệp cũng như đối tác của doanh nghiệp cần biết đến.

*Tuyên bố bảo lưu: Bài viết được đăng tải với mục tiêu cung cấp thông tin có giá trị tham khảo đối với các Trọng tài viên, các bên tranh chấp, những người tham gia tố tụng trọng tài cũng như những người đang nghiên cứu và tìm hiểu về phương thức trọng tài thương mại và không có bất kỳ mối liên hệ hay có mục đích nhằm thể hiện ý kiến, quan điểm của Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC). Mọi sự dẫn chiếu, trích dẫn từ bên thứ ba bất kỳ đến một phần hoặc toàn bộ nội dung tại bài viết này đều không có giá trị và không được VIAC thừa nhận. 

Tin liên quan

  • VCCI
    VIBOnline
    Trường đại học ngoại thương
    Trường Đại Học Luật
    VCCI